Welcome to
Đi đây đi đó nhiều rồi sẽ thấy ở đâu cũng có người nọ người kia, tốt có xấu có, chẳng thể nhìn một người mà vơ đũa cả nắm nói người vùng nọ nước kia cá mè một lứa được. Nhưng ở đâu cũng vậy, có những phẩm chất tính cách được lưu giữ lan truyền rộng rãi, xây dựng như hình ảnh quảng bá của một địa điểm. Ví như nói đến con người Sài Gòn – mảnh đất mang tên Bác ta sẽ nhớ ngay đến những con người xởi lởi, thẳng thắn mà thân thiện. Sự nhiệt huyết, cuốn hút đến kỳ lạ của con người nơi đây mới là yếu tố níu chân bạn trong những tour du lịch Sài Gòn chứ không chỉ là những danh thắng hay các điểm du lịch văn hóa nổi tiếng. Hãy cùng Du Lịch Tầm Nhìn Việt điểm qua các nét tính cách đặc trưng của người dân Sài Gòn nhé!!!
Mục lục
Thẳng thắn, bộc trực là hai nét tính cách đặc trưng nhất của người dân Sài Gòn. Họ sống với nhau rất thật, nghĩ sao nói vậy, không vòng vo, văn hoa, mỹ miều. Có gì không đúng ý, không vừa lòng sẽ nói thẳng luôn, không để bụng rồi suy diễn nhiều. Nhiều người cho rằng những người sống thẳng thắn, bộc trực sẽ khô khan, khó gần nhưng đến với Sài Gòn sẽ thấy, cái thẳng thắn của họ lạ lắm. Thẳng thắn nhưng không khiến người đối diện khó chịu hay phiền hà. Phải chăng là vì cái sự chân thật, giản dị vốn có làm sự thẳng thắn nhẹ nhàng đi phần nào.
Như nói ở trên, những người bộc trực thường đi liền với hình ảnh khô khan, khó gần nhưng người Sài Gòn lại dung hòa hai tính cách này rất tự nhiên, họ thẳng thắn nhưng thân thiện, họ thẳng thắn có thiện chí. Họ bộc lộ suy nghĩ một cách thẳng thừng, nói hết những điều “bất mãn” trong lòng rồi sau đó sẽ lại vui cười với bạn như chưa có gì xảy ra vậy. Cái lối thân thiện này có thể sẽ khiến bạn bối rối lúc ban đầu và không biết phải phản ứng thế nào nhưng sau đó bạn sẽ thấy tính cách này giúp cuộc sống của mình nhẹ nhàng đi biết chừng nào. Người Sài Gòn dễ kết thân, ở bất cứ đâu quán ăn, cafe, chỗ câu cá, địa điểm giải trí,… bạn đều có thể dễ dàng kết bạn, lập nhóm rồi cùng nhau ăn uống chơi bời thậm chí là “rủ rê” cùng … làm ăn lập nghiệp.
Trên tờ Tuổi Trẻ có một dòng nhận xét về người Sài Gòn rằng họ năng động, sôi nổi nhưng không ồn ào, bon chen. Thật vậy, cứ nhìn cuộc sống náo nhiệt ở Sài Gòn sẽ thấy sự năng động họ đặt vào công việc và cả những cuộc chơi. Chẳng thế mà nơi đây được biết đến với cái tên Thành phố không ngủ, đêm xuống nó tiếp tục chìm trong sự sôi nổi – cái sôi nổi đậm chất Sài Gòn.
Chẳng có gì khó hiểu khi một người thẳng thắn, thân thiện và năng động thích giúp đỡ người khác hay “quên mình vì nghĩa”. Người Sài Gòn trọng lẽ phải, thân thiện, sôi nổi nên nếu gặp chuyện bất bình họ sẽ chẳng thể ngồi yên. Bạn hẳn đã biết đến tác phẩm “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu – một người con của Thành phố mang tên Bác. Đọc sẽ thấy chẳng ngoa khi nói nhân vật Lục Vân Tiên trong tác phẩm chính là biểu tượng cho sự nghĩa hiệp của người dân Sài Gòn.
Sự thân thiện của người Sài Gòn bắt nguồn từ tính hào sảng, phóng khoáng. Họ không tham lam, ích kỷ, họ cho đi mà không tính toán. Họ sống và đối đãi với nhau dựa trên sự tin tưởng. Sự hào sảng phóng khoáng là nét dễ nhận thấy khi đến với mảnh đất này. Đơn giản như việc bạn có thể dễ dàng tìm thấy các điểm uống trà đá miễn phí ở gần công viên hay các ngã tư.
Người Sài Gòn đơn giản trong trang phục, cách ăn uống và cả trong cách đối xử với nhau. Trừ những dịp lễ tết đặc biệt thì họ không quan trọng lắm chuyện ăn mặc, mặc sao cho gọn gàng là được. Họ không sợ người khác nhìn vào trang phục của mình để đánh giá con người, đồng thời cũng không lấy trang phục người khác làm thước đo cho những chuẩn mực khác. Đơn giản trong ứng xử, đúng là đúng, sai là sai, có gì nói vậy, không rào trước đón sau, không nói mỉa mai châm biếm khác với người Hà Nội thường chuộng lối nói văn hoa, ẩn ý.
Người Sài Gòn nhiệt tình lắm. Họ đối đãi với nhau dựa trên sự tin tưởng, lại thêm tính nghĩa hiệp nên ngọn lửa nhiệt tình trong họ dường như chẳng bao giờ tắt. Nếu có việc gì cần, chỉ cần bạn nhờ giúp, chỉ cần họ làm được, họ sẽ không bao giờ từ chối. Khoảng 6-7 năm trước vào thăm Sài Gòn, có lần tôi lang thang rồi bị lạc, quên không mang điện thoại hay ví theo. Đành hỏi một cô bán tạp hóa đường về nhà, nhưng cô lại không biết chỗ tôi ở. Thế là cô hỏi chú bảo vệ shop bên cạnh, rồi mấy chú uống trà đá bên đường. Rồi từng ấy người xúm vào chỉ tôi phải đi thế này, lẽ thế kia, đến chỗ này hỏi thăm tiếp như nào, rồi lần sau đi ra đường phải nhớ cầm theo tiền với điện thoại, rồi nhiều thứ nữa nhớ không hết. Cuối cùng thì tôi cũng được “dân” về tận nhà. Người Sài Gòn nhiệt tình trong cuộc sống, trong công việc, trong cả những cuộc chơi nữa, đặc biệt là khi đi nhậu với nhau. Uống là uống đến cùng, đến khi cả chủ cả khách say mới chịu về.
Người Sài Gòn sống rất thực tế. Cứ nhìn cách họ ăn, mặc, đối đãi với nhau là thấy. Có thế nào thì biểu hiện như thế. Không đua đòi, ăn diện vượt quá mức chi tiêu bản thân. Không để ý lắm chuyện tiết kiệm, dành dụm. Họ là những con người sống hết mình cho ngày hôm nay. Điều tôi thích nhất ở Sài Gòn là sự mờ nhạt trong khoảng cách giàu nghèo. Họ không để ý chuyện bàn nhậu bên cạnh là giám đốc công ty nọ, chủ nhà hàng kia, hay bận tâm chuyện người đang uống trà đá bên cạnh chỉ là một tay lái xe ba gác.
Như đã nói ở trên, người Sài Gòn sôi nổi chứ không có ồn ào, bon chen. Họ lúc nào cũng thể hiện cái văn minh, lịch sự vốn có của mình. Lúc nào cũng đề cao kỷ luật, tuân theo những nguyên tắc chung. ở Sài Gòn, đến bất cứ đâu cũng có thể thấy được họ là những người có tính kỷ luật cao. Đường phố sạch đẹp, ít có người vứt rác lung tung, đi bộ trong công viên nhiều khi còn bắt gặp các cô chạy bộ buổi sáng dọn vỏ bim bim của ai đấy ăn xong quên chưa vứt. Tại các điểm có đèn tín hiệu bạn sẽ thấy người ta nhường nhau chờ đèn đỏ sau vạch kẻ đường một cách kiên nhẫn chứ không nhấp nhổm chỉ chực đi. Hay ở các điểm bán hàng phải xếp hàng nhận đồ cũng thế.